Top 10 câu chuyện cổ tích về gia đình hay nhất dành cho trẻ em
Nội dung bài viết
1. Truyền thuyết hoa cúc trắng
Ngày xưa, ở một làng nhỏ vắng vẻ, nơi chỉ có vài gia đình sinh sống, có một gia đình nghèo, chỉ có mẹ và con gái sống với nhau. Người cha đã qua đời từ sớm, để lại hai mẹ con trong túp lều tồi tàn, cuộc sống của họ vô cùng khó khăn, phải làm lụng vất vả mới đủ tiền ăn.
Vào một ngày, vì làm việc quá sức, người mẹ mắc bệnh nặng. Bà gọi con gái đến và nói: "Con hãy đi tìm thầy thuốc giúp mẹ khỏi bệnh." Cô bé vội vàng ra đi, nhưng trên đường đi, cô gặp một cụ già tóc bạc, râu trắng. Cụ thấy cô vội vã liền gọi lại hỏi thăm.
Cụ già hỏi: "Cháu đi đâu mà vội thế?"
Cô bé dừng lại trả lời: "Thưa cụ, cháu đi tìm thầy thuốc cho mẹ cháu, mẹ cháu đang rất bệnh nặng."
Cụ già nói: "Ta chính là thầy thuốc đây, cháu dẫn ta về nhà, ta sẽ chữa bệnh cho mẹ cháu." Cô bé mừng rỡ dẫn cụ già về nhà. Khi đến nơi, cụ già khám bệnh cho mẹ cô bé và nói: "Bệnh của mẹ cháu rất nặng, nhưng ta sẽ cố gắng chữa khỏi. Cháu hãy đi đến gốc cây đa đầu rừng, sẽ có một bông hoa trắng, mang về cho ta."
Mặc dù trời rất lạnh và cô bé chỉ mặc một chiếc áo mỏng, nhưng vì thương mẹ, cô bé vẫn tiếp tục đi. Sau một thời gian dài, cô bé đến nơi, nhìn thấy một bụi cây với một bông hoa trắng tuyệt đẹp. Cô bé hái hoa và đếm từng cánh hoa. Cô nghĩ: "Mẹ chỉ còn sống được 20 ngày nữa sao?"
Cô bé ngồi xuống, nhẹ nhàng xé từng cánh hoa thành nhiều phần nhỏ, mỗi sợi trở thành một cánh hoa mới. Cô nhanh chóng mang hoa trở về. Khi cô về đến nhà, cụ già đã đứng đợi, mỉm cười nói: "Mẹ cháu đã khỏi bệnh rồi. Đó là phần thưởng cho lòng hiếu thảo của cháu." Từ đó, mỗi mùa thu, hoa cúc trắng lại nở rộ, tượng trưng cho tình yêu thương của con cái đối với cha mẹ.


2. Ăn khế trả vàng
Ngày xửa ngày xưa, có hai anh em mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ. Khi người anh lấy vợ, anh ta không muốn sống cùng em trai nữa nên đề nghị chia gia tài. Với lòng tham không đáy, người anh chiếm hết tài sản cha mẹ để lại, chỉ để lại cho em một túp lều nhỏ cùng mảnh vườn cằn cỗi có duy nhất một cây khế ngọt.
Người em không than phiền lời nào, ngày ngày chăm sóc cây khế, sống cần cù, lam lũ bằng nghề làm thuê cuốc mướn.
Vào một năm nọ, cây khế trong vườn bỗng sai trĩu quả, vàng óng ánh dưới nắng. Người em mừng rỡ nghĩ đến việc hái khế bán lấy tiền mua gạo. Nhưng rồi một ngày, một con chim Phượng Hoàng lạ từ phương nào bay đến, mổ khế ăn say sưa. Người em giận quá, liền lấy gậy đuổi đi và nói: “Ta chỉ có cây khế này để sống qua ngày, nếu chim muốn ăn thì hãy để lại vật gì quý giá.”
Chim liền đáp: “Ăn một quả, trả một cục vàng. May túi ba gang, mang theo mà đựng.” Người em nghe vậy, đành để chim ăn. Ít hôm sau, chim quay lại và bảo người em chuẩn bị túi ba gang để đi lấy vàng. Người em vội vàng làm theo, trèo lên lưng chim, được chở đến một hòn đảo đầy châu báu. Anh chỉ lấy đủ vàng bỏ vừa túi, rồi từ chối lấy thêm và quay về nhà.
Kể từ đó, người em sống sung túc và hào hiệp, thường xuyên giúp đỡ người nghèo khó. Khi hay tin em mình trở nên giàu có, người anh liền tìm đến, ngỏ ý đổi hết nhà cửa, ruộng vườn để lấy cây khế. Người em đồng ý, và người anh dọn về ở nhà cũ của em.
Đến mùa sau, cây khế lại sai quả. Chim Phượng Hoàng lại đến và nói: “Ăn một quả, trả một cục vàng. May túi ba gang, mang theo mà đựng.”
Tham lam, người anh may túi không phải ba gang mà đến mười hai gang. Khi chim đưa anh đến đảo vàng, anh ta hối hả vơ vét đầy túi, còn giắt thêm vàng vào người. Chim bay về nhưng vì quá nặng nên kiệt sức. Dù chim nhiều lần yêu cầu bỏ bớt vàng, người anh vẫn ôm khư khư. Cuối cùng, chim nổi giận, nghiêng cánh hất người anh tham lam xuống biển sâu.

3. Truyền thuyết Trầu Cau
Ngày xửa ngày xưa, có hai anh em sinh đôi tên là Tân và Lang, giống nhau như hai giọt nước, khiến người thân nhiều phen không thể phân biệt. Cha của họ, một người cao lớn và tài giỏi nhất vùng, từng được vua Hùng triệu về Phong Châu và ban tên là Cao, từ đó gia đình lấy họ Cao làm danh xưng.
Cha mẹ mất sớm, hai anh em nương tựa nhau không rời nửa bước. Theo di nguyện của cha, Tân theo học đạo sĩ họ Lưu, và Lang cũng đi theo vì không chịu cảnh chia lìa. Tại đây, hai anh em sống cùng cô con gái của đạo sĩ. Một lần, nàng thử lòng để phân biệt ai là anh bằng cách chỉ dọn một bát cháo. Người nhường cho kẻ kia chính là Tân, người anh chân thành.
Tình yêu giữa Tân và cô gái nảy nở và kết trái bằng một lễ cưới. Sau đó, ba người sống chung dưới một mái nhà. Nhưng từ ngày lấy vợ, Tân không còn thân thiết với em như xưa, khiến Lang buồn tủi, cảm thấy bị bỏ rơi.
Một lần, Lang về nhà trước, bị chị dâu ôm nhầm trong bóng tối. Cảnh trớ trêu khiến cả hai bối rối, còn Tân thì sinh lòng ghen tuông. Cảm thấy tổn thương và bị hiểu lầm, Lang bỏ nhà ra đi, đi mãi đến một dòng sông lớn, rồi ngồi khóc bên bờ cho đến khi hóa thành đá.
Nhận ra lỗi lầm, Tân đi tìm em, đến bờ sông, thấy em đã hóa đá, chàng đau đớn khóc cạn nước mắt rồi ngã xuống chết, biến thành cây cau đứng bên khối đá ấy. Vợ Tân chờ mãi không thấy chồng, cũng ra đi và chết bên hai người, hóa thành dây trầu quấn lấy thân cau như ôm ấp một mối tình son sắt.
Người dân trong vùng lập miếu thờ ba người với tên gọi “Miếu anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa”. Một năm hạn hán, vua Hùng qua vùng, thấy bên miếu chỉ có hai cây vẫn xanh tốt. Khi vua nhai thử quả cau cùng lá trầu và vôi, thấy vị cay nồng, chan chứa yêu thương, môi đỏ máu như lời thề son sắt. Vua truyền nhân dân trồng hai loại cây ấy và lập tục ăn trầu trong lễ cưới, như minh chứng cho tình nghĩa vợ chồng bền chặt tựa đá vàng.


4. Truyền thuyết Con Ve Sầu
Ngày xưa, tại một ngôi làng nhỏ, có hai anh em mồ côi sớm. Người anh đảm đang, hiền hậu, một mình gánh vác mọi công việc, tảo tần nuôi em. Cuộc sống thiếu thốn, hai anh em thường lên rừng hái rau, đào củ, bắt cá mưu sinh. Trong mỗi bữa ăn, anh luôn nhường em phần ngon nhất – khúc giữa của con cá – còn mình chỉ ăn đầu và đuôi. Thế nhưng, theo thời gian, người em lại sinh lòng nghi ngờ, cho rằng anh không thương mình vì chưa từng được ăn đầu và đuôi cá.
Một ngày nọ, khi cùng nhau lên núi đào củ mài, người anh chẳng may trượt chân ngã xuống hố sâu. Mắc kẹt dưới đáy hố, anh gọi vọng lên trong hơi thở yếu ớt: "Em ơi, cứu anh với, anh sắp không thở nổi rồi!" Nhưng người em, mang theo nỗi nghi kỵ bấy lâu, chẳng cứu mà buông lời mỉa mai, rồi chạy một mạch về nhà.
Ở nhà, cậu lao vào bếp lấy đầu cá khô trên gác xuống ăn, nhưng chỉ toàn xương cứng đét. Vội vã đến trạn tìm đầu cá mo, thì vẫn chỉ là phần thừa, khô cứng như nhau. Lúc này, cậu mới thấm thía tình thương vô bờ của người anh, người luôn âm thầm dành phần tốt nhất cho mình.
Người em hoảng hốt chạy lên rừng, nhưng tất cả đã muộn. Người anh đã lìa đời nơi hố sâu lạnh lẽo. Cậu quỳ bên xác anh, khóc đến gầy rộc, không ăn không uống, cho đến khi kiệt sức mà chết.
Trời cảm thương tình máu mủ, hóa người anh thành cây cổ thụ vững chãi giữa rừng già, còn người em biến thành con ve sầu, suốt đời đeo bám lấy thân cây mà cất tiếng kêu ai oán mỗi mùa giáp hạt. Tiếng ve gọi “anh… anh…” ngân vang như lời sám hối muộn màng khôn nguôi.


5. Chuyện Người Con Út Hiếu Thảo
Ngày xửa ngày xưa, trong một gia đình nọ có ba anh em trai. Hai người anh thì lười biếng, tham lam và ích kỷ, trong khi người em út lại siêng năng, thật thà và hết lòng hiếu thảo.
Mọi việc nặng nhọc trong nhà đều đổ dồn lên vai Út, còn hai anh thì hưởng thụ món ngon vật lạ, chẳng đoái hoài đến công sức em mình. Dẫu vậy, Út vẫn vui vẻ nhường nhịn, chưa một lời oán than.
Một ngày nọ, người cha lâm trọng bệnh. Trong khi hai người anh vẫn mải chơi, Út ngày đêm túc trực bên giường bệnh, chăm sóc cha tận tình. Khi bệnh tình trở nặng, thầy thuốc bảo:
– Căn bệnh này hiểm nghèo, chỉ có một vị thuốc quý hiếm mới mong cứu được ông cụ. Nhưng loại thảo dược ấy chỉ mọc trên đỉnh núi Trúc Lĩnh, đường đi vô cùng hiểm trở.
Cha nghe vậy, gắng gượng nói: “Ai tìm được thuốc về cứu cha, cha sẽ trao trọn gia tài.”
Tham lam, hai người anh vội vã xung phong. Nhưng đến nơi thấy cây cầu chỉ là sợi dây thừng bắc qua suối sâu, họ sợ hãi, chùn bước. Gặp cụ già gánh củi nhờ giúp, họ gắt gỏng từ chối rồi bỏ cuộc quay về.
Út liền lên đường. Khi gặp cụ già ấy, anh lễ phép gánh giúp bó củi, dìu cụ qua cầu. Kỳ lạ thay, cầu trở nên vững chắc, anh qua được dễ dàng. Cụ già mỉm cười nói:
– Con là người tốt bụng và gan dạ, ta sẽ chỉ đường cho con.
Theo lời cụ, anh gọi Bạch hạc giúp sang sông, đến chân núi phía Nam, gõ đá bảy tiếng và khấn: “Hỡi núi cao, hãy mở đường cho ta đi.” Cánh cửa đá mở ra, dẫn lối anh đến ngôi chùa.
Sư ông tiếp đón ân cần, tặng cho anh một nắm cỏ quý và dặn:
– Hãy sắc cùng hoa bưởi, người cha con sẽ khỏi.
Út cảm tạ, quay về. Trên đường về, những trở ngại như suối sâu, cầu dây thừng đều tan biến, chỉ còn con đường bằng phẳng mở lối.
Về gần đến làng, hai người anh ra đón, dụ dỗ em nghỉ ngơi rồi giành lấy thuốc mang về nhà nhằm cướp công. Họ nấu thuốc nhưng không hiệu quả, cha uống xong càng mệt mỏi.
Út trở về, vội vàng làm đúng lời sư ông – sắc thuốc với hoa bưởi. Kỳ diệu thay, cha khỏe lại.
Vài ngày sau, cha gọi ba con đến và nói:
– Út đã vất vả cứu cha, gia tài này cha trao lại cho con.
Nhưng Út cúi đầu thưa:
– Xin cha hãy chia đều cho ba anh em, bởi anh em là ruột thịt, phải biết yêu thương đùm bọc nhau.
Cha xúc động gật đầu, hai người anh hối hận vô cùng. Từ đó, họ thay đổi tính nết, sống hòa thuận và siêng năng như em mình.

6. Huyền thoại người Mẹ
Thuở xa xưa, khi tạo dựng hình hài người Mẹ đầu tiên, ông Trời đã miệt mài sáu ngày sáu đêm không ngơi nghỉ, quên cả ăn ngủ. Một vị thần lấy làm lạ hỏi: “Tại sao ngài lại dành quá nhiều thời gian cho tạo vật này?”
Ông Trời đáp: “Bởi đây là một sinh linh vô cùng tinh tế. Nó có hơn hai trăm bộ phận có thể thay thế cho nhau, hoạt động bền bỉ nhưng lại đầy cảm xúc. Nó có thể sống bằng nước lã và chút cơm thừa, nhưng lại đủ sức ôm trọn nhiều đứa con trong vòng tay yêu thương. Nụ hôn của nó có thể xoa dịu vết thương – từ vết trầy nhỏ đến trái tim tan vỡ. Ta còn định ban cho nó sáu cánh tay.”
Vị thần sửng sốt: “Sáu tay? Thật khó tin!” – “Vậy vẫn chưa đủ”, ông Trời mỉm cười. “Ta còn muốn đặt ba đôi mắt cho nó.”
“Ba đôi mắt? Như vậy sẽ trái với nguyên tắc tạo người!” – vị thần ngạc nhiên.
Ông Trời gật đầu, ánh nhìn trầm tư: “Ta biết. Nhưng đây là tạo vật ta yêu quý nhất. Nó cần một đôi mắt để nhìn thấu cánh cửa khép kín và biết con mình đang làm gì. Một đôi mắt phía sau gáy để quan sát những điều tưởng chừng không ai thấy. Và một đôi trên trán để soi tỏ nỗi lòng những đứa con đang lạc lối – để chúng biết rằng dù không nói ra, Mẹ vẫn luôn hiểu, thương và tha thứ.”
Vị thần khẽ chạm vào gò má người Mẹ đang hình thành và thốt lên: “Sao nó lại mềm đến thế?” – Ông Trời mỉm cười: “Vì nó cứng cỏi lắm. Ngươi không thể hình dung được những nhọc nhằn và đau khổ nó sẽ trải qua.”
Bỗng vị thần nhận ra một giọt nước long lanh rơi xuống: “Ngài đánh rơi gì đó chăng?” – “Không”, ông Trời nhẹ giọng, “đó là nước mắt.”
“Nước mắt để làm gì?” – “Là để biểu lộ niềm vui, nỗi buồn, thất vọng, đơn côi, đau đớn, và cả lòng tự hào – tất cả những cảm xúc thiêng liêng của một người Mẹ trong suốt cuộc đời mình.”

7. Huyền thoại về Người Cha
Thuở ấy, khi ông Trời bắt tay tạo dựng hình hài người Cha đầu tiên, ngài chọn một khuôn mẫu cao lớn. Một nữ thần tò mò ghé qua, nhíu mày hỏi: “Sao người cha lại cao quá mức thế? Nếu chơi đùa với con trẻ, ông phải cúi xuống; muốn ôm hay hôn chúng, cũng phải khom mình. Chẳng phải bất tiện lắm sao?”
Ông Trời mỉm cười đáp: “Có thể là vậy, nhưng nếu người cha chỉ cao bằng con, thì lấy gì làm chuẩn mực để chúng vươn tới?”
Thấy ông Trời nặn đôi tay lớn và thô ráp cho người Cha, nữ thần lại lo lắng: “Những bàn tay to chẳng khéo léo chút nào. Chúng sẽ vụng về khi cài nút áo, thắt nơ, gỡ dằm cho con trẻ.” Ông Trời dịu giọng: “Nhưng chính đôi tay ấy sẽ dìu bước con qua mọi giông bão, vững vàng đến khi trưởng thành.”
Ngài tạo đôi vai rộng lớn cho người Cha. Nữ thần lại hỏi: “Sao lại phí thế?” Ông Trời đáp: “Đó là chỗ cho con ngồi lên mỗi khi đi xa, là bến tựa khi chúng ngủ gục sau buổi tối muộn. Và quan trọng hơn, đôi vai ấy sẽ gánh vác cả gia đình.”
Cả đêm ông Trời không nghỉ, dồn tâm huyết cho tạo vật thầm lặng ấy. Ngài nặn cho người Cha ánh nhìn sâu lắng nhưng bao dung, lời nói ít ỏi mà dứt khoát. Rồi Ngài khẽ đặt vài giọt nước mắt nơi khoé mắt người Cha, nhưng lại lặng lẽ lau đi. Bởi giọt lệ ấy chẳng dễ gì thấy được – chỉ có thể cảm nhận trong im lặng, qua trái tim con trẻ.
Ông Trời quay sang nói với nữ thần: “Ngươi thấy đó, người Cha cũng dịu dàng và cao quý chẳng kém gì người Mẹ – cả hai đều là kết tinh của tình thương vô lượng.”


8. Truyện ngụ ngôn: Bó đũa
Ngày xưa, ở một làng nọ có ông lão phú hộ, sở hữu khối tài sản kếch xù và năm người con trai. Từ bé, các con ông đã sống trong nhung lụa, quen được nuông chiều nên trở nên ích kỷ, hay ganh ghét, tranh giành lẫn nhau. Khi trưởng thành, dù ai nấy đều có cơ ngơi riêng và giàu có, nhưng mối bất hòa vẫn không nguôi, lòng đố kỵ vẫn ngày một lớn dần. Người cha nhìn các con bất hòa mà đau lòng, lời khuyên răn cũng không thể lay chuyển được sự cố chấp của họ.
Thời gian qua đi, ông lão lâm bệnh nặng, biết mình không còn sống được bao lâu, bèn gọi các con đến bên giường bệnh. Ông cho gia nhân mang đến hai bó đũa. Đưa từng người một chiếc đũa, ông bảo: “Các con hãy bẻ chiếc đũa này.”
Chẳng ai gặp khó khăn, năm chiếc đũa gãy ngay trong chớp mắt. Ông lại đưa nguyên bó đũa và bảo: “Giờ các con thử bẻ nguyên bó này.” Lần lượt từng người, dù ra sức đến đâu cũng không thể bẻ gãy được.
Lúc này, ông mới từ tốn nói: “Các con thấy đó, một chiếc đũa lẻ loi rất dễ gãy, nhưng cả bó đũa kết lại thì không gì có thể bẻ nổi. Tình anh em cũng vậy. Nếu các con cứ mãi ganh ghét, chia rẽ thì sẽ chẳng thể mạnh mẽ. Nhưng nếu biết yêu thương, gắn bó thì không thế lực nào có thể khiến các con suy sụp.”
Những người con lặng đi, nước mắt lưng tròng, ôm lấy người cha, hối hận và hứa sẽ đoàn kết, sống thuận hòa như lời dạy cuối cùng của ông.
Sau khi cha mất, họ đã giữ trọn lời thề, luôn đùm bọc nhau trong cuộc sống và công việc. Gia đình họ ngày càng hưng thịnh, không ai có thể cạnh tranh lại bởi sức mạnh mà sự đoàn kết mang lại.
Bài học: Tình thân là nền tảng cho sức mạnh vững bền. Khi anh em biết yêu thương, sẻ chia và đoàn kết, không gì có thể lay chuyển được họ.

9. Cậu bé Tích Chu
Ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé tên là Tích Chu mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống nương tựa vào người bà hiền hậu. Bà tảo tần hôm sớm, làm lụng vất vả để nuôi Tích Chu khôn lớn. Dù kham khổ, bà luôn nhường phần ngon cho cháu, đêm về còn quạt cho cháu ngủ ngon giấc. Ai cũng xúc động trước tình thương ấy và tin rằng, lớn lên Tích Chu sẽ không bao giờ quên ơn bà.
Nhưng khi Tích Chu lớn, cậu lại mê chơi, bỏ bê bà đang ngày càng yếu đi vì lam lũ và thiếu thốn. Một trưa oi bức, bà lên cơn sốt dữ dội, cổ họng khát khô gọi cháu: “Tích Chu ơi, cho bà ngụm nước!”. Bà gọi mãi mà không thấy cháu đâu. Đến khi Tích Chu về, cậu sững sờ khi thấy bà đã hóa thành chim, vỗ cánh bay xa.
Tích Chu chạy theo, nước mắt giàn giụa van xin: “Bà ơi, đừng đi! Cháu sẽ chăm sóc bà!”. Nhưng chim chỉ thổn thức: “Muộn rồi cháu ạ, bà khát quá không chịu nổi nên phải bay đi tìm nước.”
Trong nỗi tuyệt vọng, Tích Chu gặp một bà tiên. Bà bảo: “Chỉ khi cháu vượt muôn trùng gian khó tìm được nước suối Tiên, bà cháu mới có thể trở lại thành người.” Không ngần ngại, Tích Chu lên đường, băng rừng vượt suối, trèo non lội thác, sau bao ngày đêm gian khổ cuối cùng cũng mang được nước Tiên về. Giọt nước nhiệm màu đã giúp bà trở lại hình hài con người. Từ đó, Tích Chu sống bên bà, luôn yêu thương, chăm sóc và không bao giờ để trái tim bà phải buốt lạnh lần nữa.


10. Truyền thuyết cây vú sữa
Ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé được mẹ nuông chiều hết mực nên sinh hư, nghịch ngợm và ham chơi. Một hôm, sau khi bị mẹ la mắng, cậu giận dỗi bỏ nhà ra đi. Mẹ cậu lo lắng, ngày ngày ngồi trước hiên nhà trông ngóng bóng con, đôi mắt hao gầy mòn mỏi. Nhưng thời gian trôi qua, cậu vẫn biệt tăm. Mẹ vì quá nhớ con mà ngã quỵ, sức cùng lực kiệt.
Một ngày nọ, khi lang thang đói khát và bị những đứa trẻ lớn bắt nạt, cậu bé chợt nhớ đến mẹ và lòng trào dâng nỗi ân hận:
– “Mẹ ơi, ngày con đói, mẹ luôn cho con ăn. Khi con bị bắt nạt, mẹ che chở cho con. Con muốn trở về…”
Cậu hối hả quay về, nhưng ngôi nhà xưa chỉ còn vắng lặng, không còn bóng dáng mẹ đâu. Cậu gọi khản giọng:
– “Mẹ ơi! Con về rồi đây, mẹ đâu rồi?”
Cậu ngã quỵ bên một gốc cây xanh trong vườn, nước mắt lăn dài. Bỗng cây rung rinh, hoa nhỏ trắng tinh đua nhau nở, kết thành những quả tròn căng mọng. Quả đầu tiên rơi xuống – cậu cắn vội, vị chát. Quả thứ hai – hạt cứng khiến cậu nhăn mặt. Quả thứ ba – cậu nhẹ tay bóp vỏ, dòng sữa trắng tinh tuôn trào, ngọt ngào như sữa mẹ. Cậu bé ghé môi uống từng giọt, cảm nhận tình yêu thương từ dòng sữa kỳ diệu ấy.
Cây thì thầm bên tai cậu: “Ăn trái ba lần mới thấu vị ngon. Có khôn lớn mới hiểu lòng mẹ.”
Cậu bé òa khóc nức nở. Mẹ đã hóa thân vào cây, vào quả, vào từng hơi thở trong vườn xưa. Lá cây xanh bóng một mặt, đỏ hoe mặt kia như mắt mẹ khóc đợi con. Thân cây xù xì như đôi bàn tay lam lũ. Cậu ôm cây nức nở, cây xòe cành ôm lấy cậu, ru cậu bằng hơi ấm của tình mẫu tử thiêng liêng.
Từ câu chuyện ấy, người ta đem giống cây về trồng khắp nơi, gọi là cây Vú Sữa – như một biểu tượng bất diệt của tình mẹ bao la.


Có thể bạn quan tâm

Đường ăn kiêng Isomalt là gì? Lợi ích sức khoẻ từ loại đường này

Top 6 địa chỉ nối mi đẹp và uy tín hàng đầu tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Cách Tẩy Quần Jean Hiệu Quả

Cách để Vặn lưng trên hiệu quả

Top 6 Địa chỉ phun xăm chân mày đẹp và uy tín nhất tại Bạc Liêu
